Nước mắm Phú Quốc hướng tới phát triển mạnh mẽ và bền vững

Ngày 10/5/2022, tại Tp. Phú Quốc, Hội sản xuất nước mắm Tp. Phú Quốc đã tổ chức Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2022-2027 và đón nhận Bằng khen của UBND tỉnh Kiên Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng, quản lý và phát triển hội trong nhiệm kỳ lần trước (2016-2021).

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản và là CT Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Nguyễn Thị Hồng Minh, PCT kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam Trần Thị Dung, PCT UBND Tp. Phú Quốc Đoàn Văn Tiến, Phó bí thư thường trực kiêm CT HĐND Tp. Phú Quốc Nguyễn Đức Kỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Kiên Giang Huỳnh Thanh Liêm, CT Hội Lương thực thực phẩm Tp. HCM Lý Kim Chi, CT Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, CT Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết Trương Quang Hiến, cùng nhiều đại biểu đại diện cho các sở ban ngành đã đến tham dự sự kiện quan trọng này.

Từ năm 2012, nước mắm Phú Quốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 28 nước Liên minh châu Âu, năm 2017 được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là nghề và làng nghề truyền thống, năm 2021 được Bộ VH&TTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại tri thức dân gian nghề làm thủ công nước mắm truyền thống cấp quốc gia.

PCT Tp. Phú Quốc Đoàn Văn Tiến trao bằng khen của UBND tỉnh Kiên Giang cho Hội SX nước mắm Tp. Phú Quốc

Hiện nay, Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc có 54 hội viên, sở hữu 7.009 thùng ủ chượp, trong đó 8 hội viên có tàu khai thác cá cơm nguyên liệu, 10 doanh nghiệp có hàng xuất khẩu, sản lượng cá cơm thu mua hàng năm 30-40 nghìn tấn, sản xuất 20-30 triệu lít nước mắm (quy ra 25 độ đạm), doanh thu hàng năm đạt 250-300 tỷ đồng. Trong số 54 hội viên có 37 hội viên đăng ký chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 18 hội viên thực hiện việc dán tem bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm.

Trong thời gian qua, tất cả các hội viên Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc đều chấp hành tốt các quy trình sản xuất truyền thống đã được EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, phối hợp chặt chẽ với Ban kiểm soát trong việc quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào và đảm bảo giá thành đầu ra ổn định, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn để cùng phát triển,… Hội sản xuất nước mắm Tp. Phú Quốc cũng tích cực tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nguyên liệu đầu vào và giá bán thành phẩm, hướng dẫn hội viên chấp hành tốt các quy định về bảo hộ và chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc,…

Thay mặt UBND Tp. Phú Quốc, PCT Đoàn Văn Tiến biểu dương: “Những thành tích mà Ban chấp hành (BCH) hội và hội viên đạt được trong nhiệm kỳ qua là rất đáng trân trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời là tiền đề, động lực để Hội tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới’.

Đại hội đã thông qua báo cáo công tác của BCH nhiệm kỳ trước, phương hướng hoạt động của BCH nhiệm kỳ 2022-2027, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu; phê chuẩn Điều lệ sửa đổi trong nhiệm kỳ mới; phê chuẩn kết quả bầu BCH nhiệm kỳ mới; phê chuẩn kết quả phiên họp thứ nhất BCH và Ban kiểm tra nhiệm kỳ mới về việc bầu Ban lãnh đạo, Ban thường vụ và Ban kiểm tra, cụ thể: bà Hồ Kim Liên là CT, ông Đặng Thành Tài là PCT, ông Đinh Quốc Tuấn là PCT thường trực, ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh là PCT, ông Nguyễn Văn Giáo là Trưởng ban kiểm tra.

Đại hội cũng nhất trí giao BCH xây dựng chương trình, nội dung và kế hoạch hoạt động trong 5 năm và từng năm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, phương hướng, mục tiêu đã được Đại hội thông qua.

Ban chấp hành Hội Sản xuất nước mắm Tp. Phú Quốc nhiệm kỳ 2022-2027, người thứ ba bên trái là CT Hồ Kim Liên

Trong nhiệm kỳ tới, BCH Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc không những tiếp tục đồng hành cùng các hộ sản xuất giữ vững nghề và làng nghề mà còn hướng tới việc vận động UNESCO công nhận nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc là di sản phi vật thể của nhân loại; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật nước mắm Phú Quốc để nâng tầm cấp quốc gia; đề xuất lãnh đạo địa phương bố trí quỹ đất cho các thành viên hiệp hội để họ an tâm sản xuất, gắn bố với nghề, quỹ đất cho xây dựng bảo tàng nước mắm Phú Quốc, tổ chức các tour du lịch thăm quan làng nghề; tổ chức lễ hội làng nghề 2 năm một lần để quảng bá sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc,…

Nhân dịp này, Đại hội cũng kêu gọi toàn thể hội viên quyết tâm phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, đoàn kết xây dựng Hội vững mạnh, đạt nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực, góp phần vào sự nghiệp ‘Bảo tồn – Gìn giữ – Phát triển’ nghề sản xuất nước mắm truyền thống và sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Theo DNK (https://vatfi.org.vn/nuoc-mam-phu-quoc-huong-toi-phat-trien-manh-va-ben-vung/)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan