SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG PHÚ QUỐC
Lịch sử Nước mắm Phú Quốc (xưa và nay)
Nước mắm Phú Quốc có lịch sử phát triển trên 200 năm, được chế biến với nguồn nguyên liệu cá cơm dồi dào ven đảo, nằm trong vùng biển Kiên Giang – Cà Mau, ngư dân khai thác bằng phương tiện thô sơ và thủ công đến thời kỳ tiên tiến hiện đại. Trước năm 1945, nhà thùng tập trung ở hai nơi là Dương Đông và Cửa Cạn. Từ năm 1946 đến nay, nhà thùng tập trung ở Phường Dương Đông và Phường An Thới.
Nước mắm Phú Quốc được sản xuất trong những thùng gỗ làm từ cây bời lời, vênh vênh, hộ phát /xem lại tên loại gỗ này, thùng được niền bằng song mây từ rừng Phú Quốc. Vào thời đó, thùng có sức chứa nhỏ khoảng 3-5 tấn, còn hiện nay thùng có sức chứa từ 12-15 tấn cá.
Bất kỳ loại cá nào cũng có thể làm nước mắm, nhưng người sàn xuất nước mắm Phú Quốc chỉ sử dung duy nhất loại cá cơm tươi mới đánh bắt ở ngoài biển để làm nguyên liệu. Cá cơm có nhiều loại: sọc tiêu, phấn chì, cơm đỏ, cơm lép, cơm than. Tàu khai thác cá cơm được trang bị từ phương tiện thô sơ đến hiện đại.
Người ta trộn 2 hoặc 3 phần cá với 1 phần muối ngay trên tàu, sau đó vận chuyển về các nhà thùng, dùng kiệu gổ cho cá vào và khiên đổ vào thùng ủ chượp thời gian trên 10 tháng sẽ kéo rút nước mắm thành phẩm. Nước mắm kéo rút đầu tiên gọi là nước mắm cốt, các nước kéo rút tiếp theo gọi là nước mắm long. Ngoài ra, người ta còn chôn nước mắm dưới đất vài ba năm, lúc đó nước mắm chuyển thành màu đen gọi là nước mắm Lú, dùng để chữa bệnh theo dân địa phương.
Thời kỳ đầu, Nước mắm Phú Quốc chủ yếu tiêu thụ tại địa phương, dần dần được bán rộng rãi trong nước và các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan. Đến thập niên 1950 xuất sang Pháp và một số nước Châu Âu.
Từ khi hình thành đến nay, nghề sản xuất nước ở Phú Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Đó là một quá trình tìm tòi học hỏi không ngừng cải tiến kỹ thuật từ thô sơ đến hiện đại, từ chất lượng thấp đến chất lượng cao, kết hợp cùng truyền thống “Cha truyền con nối” tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm cho nghề sản xuất nước mắm ở Phú Quốc không ngừng phát triển vươn xa.
Sau năm 1975 do ảnh hưởng của cơ chế thị trường làm cho nghề sản xuất nước mắm ở Phú Quốc gặp khó khăn trở ngại và nghề tạm lắng xuống.
Sau năm 1986 đến nay, nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc được hoạt động ổn định và phát triển vươn xa trong và ngoài nước.
Để duy trì sự phát triển bền vững của nghề cha ông để lại, năm 2000 Hội sản xuất nước mắm hình thành nhằm tập trung sức mạnh đoàn kết cùng nhau phát triển của các nhà thùng. Từ đó đã tạo động lực giúp người sản xuất nước mắm dần dần được tiếp cận với cơ chế chính sách của Nhà nước, thay đổi, cải tiến quy trình sản xuất để mang lại năng suất, sản lượng và chất lượng nước mắm cao nhất. Khi mới thành lập Hội có hơn 100 hội viên sau nhiều khó khăn của nghề số lượng hội viên giảm dần và hiện tại còn 54 hội viên hoạt động với số lượng thùng gỗ ủ chượp 7000 cái, hàng năm nhập cá cơm từ 25.000-30.000 tấn và cho ra sản lượng nước mắm từ 25-30 triệu lít tính trung bình cho nước mắm 25 độ đạm trở lên. Doanh nghiệp là hội viên luôn xem nghề sản xuất nước mắm truyền thống là báu vật của ông cha để lại. Với phương châm là:
“Giữ gìn – Bảo tồn – Phát triển – Bền vững”
LOGO HỘI NƯỚC MẮM PHÚ QUỐC | LOGO CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CHÂU ÂU |