Chiều ngày 13-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung-Trưởng Ban Chỉ đạo các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang năm 2021-2025 chủ trì cuộc họp để nghe các đơn vị có liên quan báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”, tỉnh Kiên Giang. (ảnh)
Ngày 27-5-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công bố đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề làm nước mắm Phú Quốc. Theo đó, Lễ đón nhận đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” dự kiến tổ chức vào lúc 20 giờ, ngày 16-7-2022, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Phú Quốc. Nằm trong chuỗi Lễ đón nhận đón nhận bằng di sản còn có các hoạt động phụ trợ như: Lễ hội nước mắm truyền thống Phú Quốc lần thứ nhất năm 2022 (dự kiến từ ngày 14-7 đến 17-7), tại công viên Bạch Đằng hoặc sân bay cũ, phường Dương Đông (TP. Phú Quốc); hội thảo phát triển nước mắm truyền thống Phú Quốc (dự kiến 16-7), tại hội trường UBND TP. Phú Quốc; giải bóng chuyền vô địch trẻ và giải vô địch quốc gia (từ ngày 11-7 đến 17-7), tại khu nghỉ dưỡng InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort tại phía Nam Bãi Trường, thuộc xã Dương Tơ (TP. Phú Quốc).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung cho biết, đây là sự kiện quan trọng của tỉnh, nhằm quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc, bảo vệ ngành nghề truyền thống đặc sắc của cả nước nói chung và Kiên Giang nói riêng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về các sự kiện của Lễ đón nhận bằng di sản trên các phương tiện truyền thông và Website của tỉnh. Sở Văn hóa – Thể thao và Sở Du lịch thực hiện thông cáo báo chí, phối hợp với UBND TP. Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc tiếp tục khảo sát địa điểm tổ chức Lễ đón nhận bằng di sản; làm việc với Sở Tài chính dự trù kinh phí tổ chức truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang…
Hiện tại TP. Phú Quốc có hơn 60 doanh nghiệp, với khoảng 7.200 thùng ủ cá cơm nguyên liệu chế biến nước mắm. Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc bắt đầu phát triển mạnh và hưng thịnh từ năm 1945 đến nay. Đến ngày 1-6-2001 nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam. Tháng 7-2013, Liên minh châu Âu đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Vương quốc Bỉ. Tháng 8-2013, Bộ Công thương trao lại chứng nhận này cho đại diện UBND huyện đảo Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc) và Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, từ đó sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ và phát triển đến nay.
Những năm qua người tiêu dùng khắp nơi biết đến nhiều hơn về thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc. Đây còn là một sản phẩm du lịch độc đáo trên TP. Phú Quốc, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa làng nghề và đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn. TP. Phú Quốc đang quy hoạch, phát triển, bảo tồn nghề sản xuất nước mắm truyền thống gắn với phát triển du lịch; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nước mắm và việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý…/.
Theo Hương Trà (https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/1/30813/Le-don-nhan-Bang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia–Nghe-lam-nuoc-mam-Phu-Quoc–se-duoc-to-chuc-vao-ngay-16-7-2022–tai-TP.-Phu-Quoc.html)